Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Đầu tư vs đầu cơ: trăm năm lửa khói

Cũng giống như cuộc chiến TA FA, các tranh luận về đầu tư & đầu cơ vẫn diễn ra ác liệt từ ngày xửa ngay xưa & có lẽ chẳng bao giờ đến hồi kết. Về cơ bản, bạn là nhà đầu tư khi bạn mua cổ phiếu với những phân tích kĩ càng về giá trị của công ty, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu bạn là nhà đầu cơ, điều đầu tiên bạn quan tâm là dự đoán giá cổ phiếu sẽ chạy như thế nào và không quan tâm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại sao mua TCM giá 6 là đầu cơ mà mua giá 12 lại gọi là đầu tư? Lúc giá 6, với 1 số tin tốt là giá bông giảm, ban lãnh đạo thay đổi kế hoạch nhập nguyên liệu…nếu bạn đánh giá rõ ràng những  yếu tố đó ảnh hưởng cụ thể đến lợi nhuận doanh nghiệp như thế nào trong các quý/năm tới thì vẫn gọi là đầu tư. Còn nếu chỉ hi vọng những tin đó là chất xúc tác để cổ phiếu tăng giá và quyết định mua bắt đáy ngay thì gọi là đầu cơ. TCM lên 12, khi bức tranh đã sáng hơn, nhiều nhà đầu tư giỏi đã nghiên cứu rất kĩ và quyết định mua vì kì vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bền trong các quý tới, bất chấp giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi từ đáy. Trong khi đó các nhà đầu cơ bắt đáy giá 6,7 thường sẽ bán vì rất quan tâm đến giá cổ phiếu đã tăng 100%, sắp đến vùng “xả hàng”. Mua giá 12 bán giá 24 cũng lãi 100%, mua giá cao hơn nhưng rủi ro chưa chắc cao hơn lúc mua tại đáy, và đòi hỏi phải nghiên cứu kĩ, tích lũy kiến thức.

Trong bài phỏng vấn năm 1976 cho Financial Analysts Journal, Graham cho rằng các nhà đầu tư ít kiến thức thường thích đầu cơ hơn. Tích lũy kiến thức là sự khác biệt giữa nhà đầu tư và nhà đầu cơ. Bạn càng có nhiều kiến thức hơn, càng sáng suốt hơn thì càng ít đầu cơ hơn, vì đầu tư cũng đem lại lợi nhuận rất cao với rủi ro thấp hơn đầu cơ rất nhiều.



 Tất nhiên, các nhà đầu cơ giỏi cũng có nhiều lí do để theo đuổi triết lí của mình. Đầu tư là một công việc nhàm chán, nghiên cứu lâu tốn công sức, lại phải chờ cho giá về dưới giá trị thực, biên an toàn cao mới mua. Mua xong lại đợi mãi đến khi thị trường nhận ra giá thị thật của cổ phiếu/công ty & kéo nó lên. Trong khi đó các cao thủ đầu cơ chỉ cần quan sát giá và khối lượng là có thể mua được trước khi giá tăng 1 thời gian ngắn và kiếm lãi nhanh, sau đó lại bán và nhảy sang cổ phiếu khác. E rất ngưỡng mộ sự nhạy bén của các nhà đầu cơ, nhưng biết rằng mình không có khả năng timing tốt như vậy nên chọn cách phù hợp hơn là ăn chắc mặc bền. Từ năm 2009 đến nay, trình độ phân tích cả về TA lẫn FA của các nhà đầu tư đã tăng rõ rệt. Và sự thật là trên các diễn đàn chứng khoán, trường phái đầu tư FA ngày càng nhiều lên, các thể loại chart huyền ảo nhiều indicators kì bí như giai đoạn 2011 ngày càng ít thấy. Phải chăng ở VN cũng vậy, khi kiến thức và tài sản càng tăng thì nhà đầu tư có xu hướng theo trường phái đầu tư, hoặc chí ít dân TA cũng không còn thuần TA 100% nữa mà đã quan tâm dần đến những yếu tố vĩ mô, kinh tế tác động đến doanh nghiệp?  


Tích lũy kiến thức là 1 chặng đường dài, và đó là cách mà Buffett & Munger đã làm để thành công. Buffett & Munger đã đọc và học rất nhiều về các nhà đầu tư thành công như Graham, Fisher… mở rộng vòng tròn năng lực của họ suốt cả cuộc đời đầu tư, và sau đó chia sẻ kiến thức lại cho thế hệ nhà đầu tư mới .  Trên chặng đường dài này, mỗi ngày hãy bước từng bước ngắn, tích lũy kiến thức và sự sáng suốt hơn ngày hôm qua một chút thôi, nhưng luôn sẵn sàng để bung sức bức tốc tối đa khi cơ hội tốt đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét